Nông nghiệp vườn Rừng
Minigame - Món quà đặc biệt mùa cà phê chín
“Mùa cà phê chín đến rồi đây, khắp các nhà vườn đang đỏ rực trái nặng trĩu cây, chim sóc vui nhảy quanh vườn, giá mà được một lần đứng trước khu vườn...
Xem bài viếtCỏ là vấn đề muôn thuở và nan giải của nông dân. Nông dân nên chào đón cỏ rồi chọn sống hài hòa hay nhọc lòng tìm cách loại bỏ?
Với nhiều người nông dân khi làm vườn, hàng năm họ phải bỏ ra một số tiền lớn để thuê nhân công làm cỏ, mua thuốc về xịt cỏ, vừa mệt vừa độc hại. Diệt rồi mà năm nào cỏ cũng mọc lại nên càng ghét cỏ, ghét là đem bực tức vào người là nhanh già nhanh xấu. Nên hay thay vì tự chuốc lấy bực tức xấu xí ấy thì ta chọn yêu cỏ để thêm yêu đời, thêm vui vẻ tươi trẻ nhỉ!
Về lựa chọn tinh thần nói vui là vậy, còn về “Cỏ” thì kỳ thực lựa chọn chào đón sống cùng chúng trong vườn mang lại nhiều hữu ích các bác ạ. Nhà vườn Xì Phố có đôi điều chia sẻ ở đây, từ kiến thức và từ những điều quan sát thấy ngay tại vườn.
Vì sao đất cần có cỏ mọc, cây trồng chính cần có cỏ đồng hành, nông dân canh tác tự nhiên chắc chắn phải có cỏ đan xen trong vườn?
Dựa theo rừng tự nhiên, khi một đám đất trống cỏ sẽ mọc đầu tiên, tiếp đến là cây leo và cây thân bụi sau đó mới đến cây thân gỗ. Tự nhiên không bao giờ để đất trơ trọi mà không có sự che phủ, khi rừng chưa có tán cây che phủ thì cỏ làm nhiệm vụ che phủ đất.
Nông dân cho rằng cỏ có hại, cạnh tranh dinh dưỡng với cây trồng chính: điều này hoàn toàn sai. Để hiểu được điều này cần tìm hiểu và có kiến thức về đất và vi sinh vật, vì nó là cả một chuỗi mắt xích liên kết với nhau và không thể tách rời trong tự nhiên.
Nó được lí giải đơn giản và dễ hiểu như thế này: dinh dưỡng mà chúng ta bón vào đất bao gồm vô cơ hay hữu cơ thì rễ cây sẽ không ăn trực tiếp được mà phải nhờ sự phân giải của Vi Sinh Vật trong đất chuyển hoá thành các khoáng chất và ion mà cây hấp thụ được. Đơn giản là đưa cho chúng ta con gà sống chúng ta không thể bỏ vào miệng nhai được mà phải được vặt lông rửa sạch, thái gọt nấu nướng thì chúng ta mới ăn được, cây cũng vậy.
Vai trò của cỏ đối với vi sinh vật: Vi sinh vật muốn sống được và tồn tại trong môi trường phải có độ ẩm và bóng mát chứ không thể sống được ở cái nóng trơ trọi trên mặt đất. Lúc này, cỏ giúp giữ độ ẩm cho đất, cân bằng hệ VSV trong đất, tạo môi trường để VSV tồn tại và phát triển.
Mỗi loại VSV lại có một chức năng khác nhau. Ví dụ để có đĩa thịt gà chín thơm ngon cho chúng ta ăn thì có người làm nhiệm vụ làm sạch gà, có người làm nhiệm vụ nấu nướng, không phải ai cũng biết làm tất cả, cũng giống như cây trồng muốn hấp thu đủ dinh dưỡng thì cần phải có sự đa dạng của nhiều loài VSV trong đất. Mà muốn đa dạng thì phải có đa dạng các loại cỏ, mỗi hệ rễ của cỏ này sẽ có 1 hệ VSV khác với cỏ kia. Như vậy cây trồng mới hấp thụ được đầy đủ N-P-K đa và trung vi lượng.
Với cỏ, nông dân phải ưu tiên các loài cỏ bản địa. Cỏ bản địa tạo ra hệ VSV bản địa phù hợp cho đất cho cây. Chỉ khi cỏ tự nhiên không đủ thì chúng ta phải tác động bằng việc trồng các loại cỏ để lấy sinh khối, các loại cỏ cố định đạm cho đất…
Tuyệt đối không sử dụng thuốc diệt cỏ vì nó tiêu diệt toàn bộ hệ VSV trong đất, thuốc diệt cỏ tồn tại lâu dài trong đất, gây ô nhiễm môi trường và mạch nước ngầm, gây ung thư, chất độc màu da cam... diệt cỏ là diệt toàn bộ môi trường sống.
Cỏ khi lên cao và cắt đi thì thân xác trả lại cho đất 1 lượng hữu cơ, nó lấy bao nhiêu từ đất thì trả lại bấy nhiêu, không có cạnh tranh dinh dưỡng với cây nào cả, nó làm nó ăn, không xin ai cả mà còn cho cây khác. Khi người nông dân cắt cỏ thì để lại gốc, phần gốc và rễ đó khô đi thì tạo sự thông thoáng trong đất nhờ bộ rễ còn lại đã khô, giúp oxi vào được trong đất.
Có cỏ thì đất ẩm, đất ẩm thì có giun đất và vô số loài côn trùng động vật, giun đất là một cỗ máy cày xới trong lòng đất giúp đất thông thoáng, khi giun chết đi thì để lại một lượng dinh dưỡng cực lớn cho đất, đặc biệt là amino axit từ giun, trả thân trả xác, trả phân.
Có cỏ thì có côn trùng sinh sống.có loài có lợi có loài không có lợi với cây trồng, chúng sẽ tự cân bằng lẫn nhau, không có cỏ thì chúng chỉ việc nhắm đến cây trồng chính của chúng ta mà vừa xơi vừa cười nhạo: “Ahihi đồ ngốc! Không để cỏ cho tao ăn thì tao xơi cây của mày, tao đói bụng tao phải ăn thôi ^^”
Cỏ còn là sự chỉ thị về độ tốt xấu của đất, các bạn để ý ở những chỗ đất đai cằn cỗi thì cỏ lá kim cỏ chỉ, còn ở đất tơi xốp thì cỏ lá tròn cỏ thân đứng, dựa vào đó để nông dân cung cấp đủ dinh dưỡng cho đất.
Mùa mưa thì cỏ giúp chống xói mòn và hạn chế rửa trôi chất dinh dưỡng cho đất, đặc biệt là đất dốc đất đồi. Mùa nắng thì giữ ẩm và cân bằng nhiệt độ cho tầng mặt đất, giúp cây trồng không bị sốc nhiệt khi có sự chênh lệch nhiệt độ lớn.
Vì sao để cỏ rồi mà cây trồng vẫn xấu, để cỏ vẫn phải bón phân hữu cơ phân chuồng? Cái này thì đừng hỏi cỏ mà hỏi chính chúng ta. Cỏ chỉ trả lại đất phần mà nó lấy, còn nông dân chúng ta thì thu hoạch cây trái hàng chục hàng trăm tấn mà không chịu trả lại cho đất, cây càng ngày càng xấu là đúng rồi. Chính con người lấy đi chứ cỏ đâu có lấy, thế nên khi ta lấy bao nhiêu của cây trồng thì trả lại bấy nhiêu, đừng có bớt xén rồi đổ thừa.
Cỏ là một phần của sự sống, là một phần không thể thiếu và là một mắt xích quan trọng của hệ sinh thái, nông dân chúng ta cần biết cách sống chung với cỏ và kiểm soát cỏ một cách hiệu quả! Yêu là một điều không dễ, nhưng khi bạn đủ hiểu về cỏ thì bạn sẽ tự nhiên thấy yêu, thấy muốn gắn bó, muốn đồng hành.
Cỏ là loài thực vật cần thiết với những vườn canh tác tự nhiên, tuy nhiên bạn cũng cần có phương pháp quản lý phù hợp. Dưới đây là một số việc nên làm:
- Để hạn chế sự phát triển quá nhanh của cỏ trong vườn, nên nhổ hoặc cắt bỏ cỏ thay vì dùng thuốc phun xịt để diệt cỏ.
- Nên cắt cỏ vào mùa mưa, không nên cắt vào mùa khô hạn.
- Khi cắt cỏ, không nên cắt sát gốc mà giữ lại phần thân cỏ khoảng 10 - 15cm.
- Để cả loại cỏ mọc sát đất và loại cỏ cao lớn.
- Khi cắt cỏ xong, phần cỏ được cắt sẽ phủ luôn mặt đất tại đó, hệ vi sinh vật trong đất sẽ giúp phân hủy thành mùn, giúp đất giàu dinh dưỡng hơn.
Trên đây là một số loại cỏ và biện pháp quản lý cỏ hiệu quả. Ngoài ra, tùy vào từng điều kiện tự nhiên và thổ nhưỡng mà có những loại cỏ phù hợp. Ví dụ như vườn mới bước vào thời gian đầu cải tạo, nhà nông sẽ để cỏ và cây trồng bản địa mọc tự nhiên, tiếp đó mới trồng xen canh thêm những cây trồng phù hợp khác. Điều quan trọng nhất của người làm vườn, có lẽ là thấu hiểu mảnh đất của mình, điều kiện tự nhiên hiện có và kiên nhẫn, quan sát để từng bước nâng cao chất lượng mảnh vườn của mình.
Cỏ là một phần của sự sống, là một phần không thể thiếu và là một mắt xích quan trọng của hệ sinh thái, nông dân chúng ta cần biết cách sống chung với cỏ và kiểm soát cỏ một cách hiệu quả! Yêu là một điều không dễ, nhưng khi bạn đủ hiểu về cỏ thì bạn sẽ tự nhiên thấy yêu, thấy muốn gắn bó, muốn đồng hành.