Khu vườn cà phê canh tác tự nhiên thú vị như thế nào? - Phần 1

Xì Phố|14/05/2023|7 phút đọc

Đời sống của vườn tự nhiên thú vị thế nào? Bạn ngồi lại đây, pha một ly cà phê và tụi mình kể cho nghe. Ở đây, không chỉ có các loài cây đa dạng mà còn là sự phong phú của các loài động vật, côn trùng, vi sinh vật,... sự thật là có vô số loài, trong đó có loài nhìn thấy được, có loài phải nhìn qua kính hiển vi. Trong chia sẻ lần này, tụi mình sẽ sơ lược một số loài sinh vật sống dễ nhận biết nhất khi bước vào vườn. 
 

1. Ong, bướm trong vườn cà phê sạch
 

Vườn cà phê vừa trải qua mùa hoa cà phê nở, vào dịp này, khu vườn trở nên sinh sôi sống động bởi các loài ong bướm lũ lượt kéo về. Điều đầu tiên, sự xuất hiện của ong bướm làm cho khu vườn nhộn nhịp hơn, nhiều sắc màu hơn. Hơn thế, mỗi loài trong khu vườn sẽ có vai trò đặc biệt riêng. 


Những chú ong chăm chỉ trong vườn, là những người thợ cần mẫn hỗ trợ việc thụ phấn của hoa cà phê. Những việc đó làm tăng khả năng đậu quả của cà phê. Sau đó, chúng tiếp tục công cuộc lấy phấn hoa tạo thành mật ong hoa cà phê - một đặc sản của Tây Nguyên, một món quà để dành của những chú ong dành tặng cho chủ vườn cà phê. Như cách tác giả Nguyễn Đức Mậu viết trong bài thơ “Hành trình của bầy ong”:
 

“Chắt trong vị ngọt mùi hương

Lặng thầm thay những con đường ong bay.

Trải qua mưa nắng vơi đầy

Men trời đất đủ làm say đất trời.

Bầy ong giữ hộ cho người

Những mùa hoa đã tàn phai tháng ngày.”
 

Tiếp theo sự rộn ràng, rền rĩ những đường ong bay là câu chuyện của mùa cánh bướm nở vàng ngập trời Tây Nguyên. Trước khi trở thành từng đàn bướm tung bay, bướm là những con sâu nhúc nhích trên lá muồng - hay gọi là sâu muồng. Sâu này chỉ ăn lá muồng, chúng nhả phân xuống đất - nguồn phân tự nhiên cực kỳ tốt dành cho đất trồng cà phê. Đủ ngày đủ tháng sâu tạo kén thành nhộng sâu muồng - một món ăn đặc sản của Tây Nguyên hay còn gọi là tôm rừng. Nếu có dịp đi Tây Nguyên mùa này, bạn đừng bỏ qua món tôm rừng màu xanh nổi tiếng khắp vùng. 
 

2. Những chiếc “máy cày” tự nhiên trong đất
 

Đất trong vườn cũng cần cày xới để tăng thêm oxy vào đất, tạo độ tơi xốp hơn cho đất. Điều thú vị với những khu vườn từng nhiên, chính là con người chẳng cần nhọc công xách cuốc đi làm, chạy máy đào bới đất thì cũng có một lực lượng “máy cày” hoạt động vô cùng hiệu quả - đó là giun đất. 



Ở những vùng đất giàu sức sống, có lẽ một trong những dấu hiệu dễ nhận biết đó là có nhiều giun đất. Vai trò của giun trước tiên đó là những chiếc máy đào bới đất cực kỳ khỏe, chúng làm việc liên tục tạo thành các rãnh đất theo chiều ngang, các đường hào nhỏ xuyên trong lòng đất, thậm chí chúng có thể đào sâu tới 3.7m. Những công việc này hỗ trợ trong việc tăng độ tơi xốp cho đất, phân phối lượng phân hữu cơ trong đất, giúp thoát nước và giữ độ ẩm cho đất, đồng thời giúp rễ cây có độ thông thoáng để đâm sâu hơn trong lòng đất. 
 

Giun còn là những chiếc máy nghiền nhỏ các loại lá cây, thực vật khác làm tăng tốc độ phân hủy thực vật lên nhiều lần. Chúng hỗ trợ tích cực cho việc các chất dinh dưỡng nhanh chóng trở lại với cây trồng. 
 

Giun chủ yếu ăn vi khuẩn, một số loại khác như nấm, tuyến trùng, động vật nguyên sinh, các chất hữu cơ. Quá trình ăn các loại thức ăn trên, một số sẽ được hấp thụ vào máu của giun còn một số chất hữu cơ không được tiêu hóa sẽ bị thải ra ngoài. Lượng chất thải này sẽ giúp người làm vườn có lượng phân bón để tăng độ dinh dưỡng cho đất hiệu quả bởi phân gin (phân trùn) có hàm lượng chất hữu cơ cao hơn 50% so với đất chưa đi qua giun. 
 

Như vậy, khi lượng giun trong đất càng nhiều sẽ mang đến nhiều công dụng tuyệt vời cho khu vườn: là những chiếc máy cày xới đất cần mẫn, là chiếc máy chăm chỉ nghiền nhỏ thực vật, là chiếc máy sản sinh ra lượng phân bón dồi dào các chất dinh dưỡng cho đất.
 

3. Chúng ta còn gì trong lòng đất? 
 

Sự đa dạng của những mảnh đất giàu sức sống còn là một bức tranh đa dạng các loại sinh vật. Mỗi loài giữ một vai trò khác nhau tạo thành mối liên kết chặt chẽ - hay còn gọi là lưới thức ăn trong đất. 
 

Bên cạnh đời sống của một số loài kể trên, trong lòng đất còn có nhiều loài khác: vi khuẩn, cổ khuẩn, nấm, tảo, nấm nhầy, động vật nguyên sinh, tuyến trùng, động vật chân đốt, động vật chân bụng, một số loài bò sát, động vật có vú, chim muông.

Canh tác cà phê sạch dưới tán rừng tự nhiên quả thật rất thú vị. Ở đó, các loài cây, các loại sinh vật sẽ đảm nhiệm vai trò khác nhau. Đời sống của mỗi loài sẽ ảnh hưởng ít hoặc nhiều đến đất, trong bài sau tụi mình sẽ chia sẻ thêm về vi sinh vật trong đất nhé.

---
Tham khảo: Teaming With Microbes: The Organic Gardener's Guide to the Soil Food Web
---

Xì Phố Cafe

Cà phê canh tác tự nhiên

Fanpage: Xì Phố Cafe

IG: @xiphocafe

Hotline: 0971.999.197

Bài viết liên quan

Từ nông trại - Nơi cà phê bắt đầu
Nông nghiệp vườn Rừng

Từ nông trại - Nơi cà phê bắt đầu

Trong bài rap “Hai triệu năm” của Đen Vâu có câu thế này: “Người ta không quý con ong, mà người ta chỉ quý mật” - Điều này có làm bạn dừng lại một...

Xem bài viết
Xì Phố|08/08/2023
Đa dạng tầng tán vườn rừng tự nhiên là gì? 
Nông nghiệp vườn Rừng

Đa dạng tầng tán vườn rừng tự nhiên là gì? 

Nếu bạn thường xuyên theo dõi các chia sẻ của Xì Phố, có lẽ cụm từ được nhắc đến nhiều nhất trong canh tác của nhà nông đó là “đa tầng tán vườn rừng”....

Xem bài viết
Xì Phố|05/03/2023