[Tin tức] Quy định mới của EU về nhập khẩu cà phê

Xì Phố|18/09/2023|6 phút đọc

Từ cuối năm 2024, Liên minh châu Âu (EU) quy định cà phê khi xuất khẩu vào thị trường này sẽ phải có thông tin định vị GPS đến từng vườn. Những quy định của EU là thách thức với những đơn vị xuất khẩu cà phê nhưng cũng là cơ hội để nâng cao chất lượng mặt hàng nông sản này.

 

Quy định mới của EU về việc nhập khẩu cà phê

 

Theo luật mới có hiệu lực từ cuối năm 2024, các công ty nhập khẩu các mặt hàng như cà phê, ca cao, thịt bò, đậu nành, cao su và dầu cọ phải trình giấy chứng nhận hàng hóa không liên quan đến hoạt động phá rừng, hành động góp phần gây ra tình trạng biến đổi khí hậu, hoặc chịu phạt nặng.

 

Tác giả báo cáo kêu gọi cả EU và các công ty cà phê đảm bảo rằng điều này không xảy ra, vì nếu không chủ những đồn điền cà phê nhỏ lẻ có thể buộc phải mở rộng canh tác sang các khu vực trồng rừng để tăng sản lượng nhằm trang trải cuộc sống. Những đồn điền này sau đó sẽ bán cà phê cho những khu vực có quy định về môi trường ít nghiêm ngặt hơn, nguy cơ làm giảm hiệu quả của luật trên.

 

Theo giới chuyên gia, phá rừng là nguyên nhân gây ra khoảng 10% lượng khí thải nhà kính toàn cầu dẫn đến biến đổi khí hậu và luật của EU nhằm giúp liên minh góp phần vào nỗ lực ngăn chặn tình trạng này. Chuyên gia Niels Haak thuộc Tổ chức Bảo tồn Quốc tế, một trong những tổ chức tài trợ cho báo cáo trên, cho rằng "đầu tư vào cộng đồng nông nghiệp ở những khu vực dễ bị tổn thương có vẻ rủi ro, nhưng sự đầu tư đó rất cần thiết để giải quyết những nguyên nhân gốc rễ của nạn phá rừng toàn cầu".

 

EU yêu cầu các doanh nghiệp sẽ cần xác định chính xác lô đất nơi sản phẩm được sản xuất và chứng minh rằng không có khu rừng nào bị chặt phá trên lô đất đó kể từ năm 2020. Các doanh nghiệp sẽ cần cung cấp bằng chứng để thẩm định, có thể sẽ bao gồm hình ảnh vệ tinh.

 

Các doanh nghiệp không tuân thủ quy định mới sẽ bị EU phạt tới 4% doanh thu hàng năm của họ ở thị trường EU. Quy định mới yêu cầu các cơ quan chức năng ở các nước thành viên của EU kiểm tra 9% lô hàng đến từ các các nước được coi là có rủi ro phá rừng cao, 3% lô hàng đối với các nước được dán nhãn rủi ro tiêu chuẩn và 1% lô hàng từ các nước có rủi ro thấp.

 

 

 

Hướng đi nào cho cà phê Việt Nam

 

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khó khăn lớn nhất hiện nay là việc truy xuất nguồn gốc, yêu cầu của phía EU là 100% sản phẩm cà phê xuất khẩu vào thị trường này phải có thông tin định vị (GPS) đến từng vườn để xác nhận về nguy cơ gây mất rừng bằng các hệ thống giám sát viễn thám, đòi hỏi những giải pháp đồng bộ để hỗ trợ các doanh nghiệp.

 

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hiện cũng đang dự thảo kế hoạch hành động để thích ứng với đạo luật mới của EU, cùng với đó phối hợp với các hiệp hội ngành hàng, cũng như phía EU thống nhất kế hoạch hành động đáp ứng với quy định mới của phía EU, để sản phẩm cà phê Việt ngày càng khẳng định sức cạnh tranh tại thị trường quan trọng này.

 

Một hội nghị bàn thảo về sản xuất và cung ứng cà phê không gây mất rừng theo quy định của EU vừa được tổ chức tại Hà Nội.

 

Cùng với tiềm năng mở rộng quy mô thị trường, quy định mới của EU đòi hỏi ngành cà phê phải tuyệt đối tuân thủ tiêu chuẩn bền vững, đảm bảo khả năng truy xuất và minh bạch. Điều này đang gây khó cho các nhà sản xuất cà phê Việt Nam khi phải thiết lập các hệ thống dữ liệu ở nhiều cấp để truy xuất nguồn gốc hạt cà phê của mình.

 

"Hiệp hội sẽ kết hợp vận động các tổ chức phi Chính phủ cũng như các tổ chức quốc tế, các khách hàng lớn mua cà phê tại Việt Nam để chúng ta có một nguồn chi phí hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc truy xuất nguồn gốc tận vườn", ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, cho biết.

 

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2022, EU nhập khẩu hơn 3 triệu tấn cà phê, trị giá gần 13 tỷ Euro. Với khối lượng xuất khẩu đạt hơn 660.000 tấn, trị giá hơn 1,5 tỷ Euro, Việt Nam là nhà cung cấp cà phê ngoại khối lớn thứ 2 cho EU, chỉ đứng sau Brazil. Quy định mới của EU cũng chính là cơ hội để cà phê Việt Nam phát triển theo định hướng minh bạch, trách nhiệm, bền vững và tăng trưởng xanh.

Tổng hợp:

 

 

 

Bài viết liên quan

Đôi bàn tay làm nên tất cả!
Nông nghiệp vườn Rừng

Đôi bàn tay làm nên tất cả!

Đôi bàn tay làm nên tất cảCó sức người sỏi đá cũng thành cơm.

Xem bài viết
Xì Phố|04/01/2024
Vườn nhà Dũng: “Khôi phục lại rừng nguyên sinh xưa kia”​​​​​​​
Nông nghiệp vườn Rừng

Vườn nhà Dũng: “Khôi phục lại rừng nguyên sinh xưa kia”​​​​​​​

Điều thú vị khi mình trở về kết nối với những chủ vườn, đó là mỗi người một câu chuyện, một hành trình trải qua khác nhau. Như ở Dũng, không đơn thuần...

Xem bài viết
Xì Phố|29/05/2023