Trải nghiệm
Cà phê Decaf - Khi bạn thích uống cà phê nhưng nhạy cảm với cafein
Khi bạn thích uống cà phê nhưng nhạy cảm với cafein thì giải pháp thay thế chính là loại bỏ cafein hay nhiều người biết đến với cà phê decaf. Xoay...
Xem bài viếtDù ai đi ngược về xuôi, thưởng thức đa dạng các phương pháp pha chế cà phê trên thế giới thì cũng khó lòng bỏ qua được một ly cà phê pha phin truyền thống. Và từ chiếc phin này chúng ta có thể pha thành những thức uống gì để thay đổi khẩu vị?
Từ thế kỉ XIX, khi cây cà phê du nhập vào Việt Nam, cà phê được pha chế bằng một số phương pháp là hình thức pha cà phê bằng phin. Theo thời gian, cà phin không còn là một “vị khách” từ nơi xa đến mà đã trở thành một phần trong đời sống, một nét văn hóa lâu đời của người dân Việt Nam.
Năm 1864, người Pháp mở quán cà phê đầu tiên tại Sài Gòn lấy tên là Lyonnais (trên đường Lý Tự Trọng ngày nay) và Café de Pari (trên đường Đồng Khởi ngày nay). Cà phê đến Hà Nội vào năm 1883, người Pháp mở quán ngay trên phố Thợ Khảm (nay là phố Tràng Thi).
Đặc điểm của chiếc phin cà phê:
- Gồm các bộ phận: phin, nắp gài, bộ lọc đáy và nắp.
- Chất liệu: inox, nhôm, gốm… nhưng phổ biến là inox và nhôm.
Có giả thuyết cho rằng, Madras Coffee Filter từ vùng Nam Ấn có lịch sử từ những năm 70 của thế kỉ 17 chính là tiền thân của chiếc phin cà phê Việt, bởi những điểm giống nhau về cấu tạo của phin. Nhiều người cho rằng, chiếc phin của Việt Nam được cải tiến từ bộ dụng cụ pha này
Cà phê đen pha phin chính là ly thức uống phổ biến và là cái nền của những “biến thể” khác. Để pha một ly đen vô cùng đơn giản:
Bước 1: Chuẩn bị dụng cụ, cà phê, đun nước nóng
Bước 2: Tráng phin, cốc bằng nước nóng
Bước 3: Cho bột cà phê vào phin (10-15g dành cho phin nhỏ), sau đó xối qua lớp bột một ít nước nóng. Đây là lượt nước giúp cà phê thoát hết khí CO2 để quá trình chiết xuất tốt nhất.
Bước 4: Sau khi cà phê đã thoát hết lớp khi CO2, bạn dùng nắp gài nén cà phê sau đó sẽ cho một lượng nước theo tỉ lệ 1:4, tức là khoảng 40- 60ml nước vào phin và đậy nắp lại.
Bước 5: Đợi cà phê chiết xuất hết thì cho ra cốc.
Lưu ý: trong quá trình chiết xuất, cà phê sẽ chảy nhỏ giọt là đúng chuẩn nhất, nếu cà phê chảy nhanh quá có thể do cà phê xay thô/ có thể do nắp gài nén không đủ chặt. Nếu cà phê không chảy hay còn gọi bị tắc, là do cà phê xay quá mịn, chưa đủ thời gian để thoát khi CO2 hoặc do nắp gài nén quá chặt. Bạn sẽ quan sát để điều chỉnh lại cách pha, ví dụ nếu cà phê bị tắc bạn thử dùng một chiếc thìa khuấy cà phê sau đó nhẹ nhàng dùng nắp gài nén lại.
Sau khi pha xong, bạn sẽ có thành phẩm là ly thức uống đậm màu, vị đắng - ngọt có thể có chút chua dịu tùy loại hạt. Nếu bạn thích nguyên bản thì để như vậy thưởng thức hoặc cho thêm chút đá cũng vô cùng thú vị.
Pha cà phê sữa là một “biến thể” hay có thể gọi là “Bước 6” của cách pha trên. Bạn thêm sữa đặc tùy ý thích, từ 15 - 25ml sữa cho khoảng 40ml cà phê đen.
Sau khi thêm sữa, bạn có thể bỏ đá uống cùng. Một ly cà phê đắng nhẹ - ngọt béo cân bằng thêm chút đá uống vô cùng thích trong mùa hè.
Bạc xỉu - thức uống ngày càng phổ biến khắp mọi miền nhưng nơi bắt đầu của nó có đó là Sài Gòn. Món bạc xỉu có thể xem là “Bước 7” của pha cà phê phin. Bởi sau khi cho sữa đặc thì chúng ta sẽ cho thêm một chút sữa tươi và khuấy đều.
Với sữa tươi, có hai cách dùng đó là: cho trực tiếp sữa tươi vào cà phê hoặc đánh mịn sữa tươi rồi mới cho vào (có thể đánh mịn bằng vòi đánh sữa của máy pha cà phê hoặc bình french press.
Vậy là bạn có thêm một thức uống vô cùng “đã đời” trong mùa hè nóng nực.
Cà phê trứng, thức uống nổi tiếng bắt nguồn từ Hà Nội. Những cái tên đã thành thân quen như cà phê Giảng, cà phê Nhân là những chốn quen của người Hà Nội xưa. Không chỉ là nơi đến bình dị với ly cà phê, tờ báo cùng những cuộc chuyện trò hội ngộ, đây còn là nơi của món cà phê trứng bắt đầu.
Ly cà phê trứng dần dần xuất hiện ở nhiều nơi và là thức uống được nhiều người yêu thích. Cái quan trọng trong ly cà phê trứng đó là pha cà phê phin đúng chuẩn và đánh trứng đủ độ ngọt béo không bị tanh.
Cách làm cà phê trứng:
Bước 1: Chuẩn bị một ly cà phê đen, cách pha bạn có thể tham khảo ở trên.
Bước 2: Đánh bông trứng, gồm: 1 lòng đỏ trứng gà + 1 chút đường + 1 chút nước cốt chanh sau đó đánh bông hỗn hợp bằng máy đánh trứng. Công thức đánh trứng sẽ có những điều chỉnh khác nhau tùy khẩu vị, như việc có thể cho một chút rượu, vani thêm vào.
Bước 3: Chuẩn bị một bát nước nóng, sau đó cho lần lượt: sữa đặc, bông trứng, cà phê và một chiếc cốc và đặt chiếc cốc này trong bát nước nóng.
Bạn có thể thưởng thức lớp kem trứng trước hoặc khuấy đều hỗn hợp để thưởng thức ngay. Ly cà phê trứng béo ngậy ngọt ngào thêm chút đắng là sự lựa chọn được nhiều người yêu thích. Nhưng lưu ý bạn không nên uống nhâm nhi quá lâu, bởi để lâu lớp kem trứng dễ dậy lại vị tanh khó chịu.
Gọi là cà phê muối nhưng không chỉ có muối dậy vị mặn mà, đây là ly cà phê đủ độ thơm béo và dễ uống. Không rõ cà phê muối bắt đầu từ đâu (có người nói xuất phát từ Huế) nhưng dạo gần đây, món cà phê này nổi lên như một trải nghiệm mới dành cho các bạn trẻ.
Cách pha món này cũng vô cùng đơn giản:
Bước 1: Bạn chuẩn bị ly nước cost cà phê hay ly cà phê đen pha phin như trên.
Bước 2: Đánh bông lớp kem muối , bao gồm: khoảng 50ml whipping cream, 20ml sữa đặc, một xíu muối. Bạn dùng que đánh trứng để đánh đều hỗn hợp này.
Bước 3: Cho cà phê vào hỗn hợp đã đánh, bỏ thêm đá uống vô cùng thích.
Ở đây tụi mình đã giới thiệu cho các bạn những ly đồ uống được pha từ cà phê pha phin. Nhưng điều quan trọng trước tiên, đó là hãy pha được một ly cà phê đen chuẩn vị. Nói pha phin dễ mà chẳng dễ, tụi mình sẽ bật mí cụ thể hơn ở bài sau nhé.
---
Xì Phố Cafe
Cà phê canh tác tự nhiên
Fanpage: Xì Phố Cafe
IG: @xiphocafe
Hotline: 0971.999.197