Vườn nhà Dũng: “Khôi phục lại rừng nguyên sinh xưa kia”​​​​​​​

Xì Phố|29/05/2023|5 phút đọc
Điều thú vị khi mình trở về kết nối với những chủ vườn, đó là mỗi người một câu chuyện, một hành trình trải qua khác nhau. Như ở Dũng, không đơn thuần là chuyện trồng cà phê mà là mong muốn “khôi phục lại rừng nguyên sinh xưa kia”.

Trong một lần trò chuyện, Dũng chia sẻ:

“Ngày xưa Krông Năng là một trong những vùng đất bazan tốt nhất của Tây Nguyên, điều này đã được người Pháp kiểm tra chất lượng và đánh giá. Bởi, là vùng đất hình thành từ quá trình phun trào của núi lửa kết hợp với những cánh rừng già nguyên sinh, ngôi rừng cổ đại đủ các giống loài, hệ sinh thái động – thực vật phong phú. Tất cả bổ trợ nhau tạo nên một vùng đất phì nhiêu màu mỡ. Đâu dễ gì người Pháp mang cây cà phê về đây phải không, họ đều có sự nghiên cứu và đi trước chúng ta cả mấy chục năm.




Dũng nhận thấy, con người cũng giống như một cái cây. Ví dụ, nếu một người bị ốm đó, họ sẽ mua thuốc tây để tiêu diệt triệu chứng mà không quan tâm đến nguyên nhân vấn đề. Nguyên nhân ở đây có thể là lối sống, nguồn dinh dưỡng họ nạp vào. Còn thuốc, đã là thuốc sẽ có độc, bởi khi nó tiêu trừ được triệu chứng này thì đồng thời nó cũng tiêu trừ được cái khác. Cây trồng cũng vậy, khi mình sử dụng thuốc hóa học để diệt trừ sâu bệnh cũng sẽ đồng thời tiêu diệt hệ vi sinh vật trong đất và hệ lụy là sinh ra các bệnh khác.

Muốn cây khỏe thì hãy chăm hệ sinh thái đất. Đất tốt thì trồng cây gì cũng được hết. Khi Dũng trồng cà phê. Điều quan tâm trước tiên của Dũng là cải tạo đất tốt, hệ sinh thái đa dạng thì cây cà phê cũng khỏe hơn, cho chất lượng tốt hơn. Cà phê chất lượng, trước hết là bắt đầu từ vườn trồng. Có một điều chắc chắn đó là, cà phê độc canh sẽ không bao giờ ngon bằng cà phê trồng trong rừng.




Có một điều thú vị nữa đó là, không chỉ con người hay các loài động vật biết cách giao tiếp với nhau, các loài cây cũng vậy. Chúng trao đổi nhờ sự rung động của các rễ cây, để cảnh báo sự nguy hiểm của sâu bệnh. Trong một vườn đa tầng tán, độ chín của trái sẽ đảm bảo hơn vườn độc canh. Ở khu vườn độc canh, trái gần như bị chín ép vì nắng gắt chiếu trực tiếp, không có độ che phủ cho cây, rễ cây dễ bị cháy do không có sự bảo vệ bề mặt đất nên thiếu đi khả năng hút các chất dinh dưỡng trong đất và khi đó buộc người trồng phải bón các loại phân hóa học để bổ sung.

Thông thường, mọi người nhìn cây cỏ là cây cạnh tranh dinh dưỡng với cây trồng chính nên loại bỏ. Và thường họ cho rằng trồng cây gì thì thu hoạch cây đó những cây còn lại đều có hại. Nhưng trong hệ sinh thái tự nhiên, không có cây nào là cây có hại, mỗi cây sinh ra đều có vai trò của nó. Như cỏ, cỏ giúp che phủ đất, bảo vệ rễ cây khỏi ánh nắng trực tiếp. Khi cỏ lớn mình cắt phần cành lá sẽ phân hủy tạo thành phân bón tự nhiên cho cây trồng và tạo ra độ ẩm cho đất. Từ đó sản sinh ra các loại vi sinh vật, là môi trường cho con giun con dế sinh sống. Vậy đó, càng làm càng nhận ra những vấn đề thú vị và đó là sự thật.
Điều mà Dũng đang làm đó là mong muốn khôi phục lại rừng nguyên sinh xưa kia, trồng cà phê dưới tán rừng. Dũng muốn đồng hành cùng những nông hộ trồng cà phê, nhưng không chỉ dừng ở việc thu mua mà còn hỗ trợ, giúp người nông dân làm nông nghiệp bền vững. Điều quan trọng mà Dũng muốn trao tới họ là những giá trị bền vững về cây trồng, về môi trường chứ không chỉ về mặt kinh tế. Mà muốn vậy thì mình phải học, phải cố gắng làm tốt nhất sau đó đơn giản hóa để mọi người đều hiểu và làm được.”

Nói là làm, để có đủ kiến thức thực tiễn, Dũng là người chịu khó trải nghiệm, học hỏi và cố gắng làm tốt hơn mỗi ngày. Hiện tại, cậu ấy đang đi học tại Nhật để nâng cao kiến thức và trải nghiệm về hệ sinh thái vườn rừng.




Mong rằng trong tương lai gần tới, Xì Phố sẽ đồng hành cùng nhiều chủ vườn, cùng xây dựng hệ sinh thái vườn rừng và tìm lại điều đã từng của cà phê, đó là - “cà phê vốn được tìm thấy dưới những tán rừng”.

Khôi phục lại rừng nguyên sinh là điều chẳng dễ dàng, không thể thực hiện trong ít năm mà là hành trình dài. Đây có thể là ước mơ viễn vông với nhiều người, nhưng với Dũng, hay với những người trồng cà phê khác mà Xì Phố biết thì đó là mục tiêu, là động lực để họ hướng đến. Cả hành trình dài đằng đẵng trồng rừng ấy, luôn bắt đầu từ việc trồng một cái cây, bắt đầu từ mỗi việc làm và tình yêu họ gửi gắm mỗi ngày vào khu vườn. 

Bài viết liên quan

[Tin tức] Quy định mới của EU về nhập khẩu cà phê
Nông nghiệp vườn Rừng

[Tin tức] Quy định mới của EU về nhập khẩu cà phê

Từ cuối năm 2024, Liên minh châu Âu (EU) quy định cà phê khi xuất khẩu vào thị trường này sẽ phải có thông tin định vị GPS đến từng vườn. Những quy...

Xem bài viết
Xì Phố|18/09/2023
Q&A: Uống cà phê có tốt cho sức khỏe? 
Nông nghiệp vườn Rừng

Q&A: Uống cà phê có tốt cho sức khỏe? 

Sau những chia sẻ ở trên, hi vọng bạn có cái nhìn toàn diện hơn về cà phê. Nếu ai đó có nhắc nhở bạn “uống cà phê ít thôi vì không tốt cho sức khỏe...

Xem bài viết
Xì Phố|22/03/2023