[Câu chuyện Xì Phố] - 5 năm một hành trình

Xì Phố|26/02/2023|35 phút đọc

CHUYỆN TÔI MỞ QUÁN CÀ PHÊ

 

***
 

Phần 1: Duyên cớ thứ 1


   “Em thấy cà phê hữu cơ của chị bán 300k/kg có mắc quá không? Người ta có chấp nhận giá này không?” - Chị Thảo hiếm khi gọi điện thoại hỏi ý kiến của tôi dù cả hai rất thân thiết, khi ấy, tôi hiểu ra rằng chị đang gặp phải một bế tắc rất lớn.

   Chị Thảo học trên tôi 2 khóa, hồi còn làm trong Hội sinh viên trường, chị bị mọi người gọi đùa bằng biệt danh “Thảo cỏ voi” vì tính cách cứng cáp mạnh mẽ. Ra trường và đi làm 6 năm trong ngành Dược, chị được nghe được thấy rất nhiều về chuyện người Việt Nam phải tốn tiền thuốc cho những căn bệnh vốn từ thực phẩm mà họ ăn hằng ngày gây ra.

   Rồi trong một ngày nào đó của tuổi thanh xuân, chị Thảo ngước nhìn lên áng mây trắng đang chầm chậm trôi trên bầu trời, và quyết định không chịu làm “ngọn cỏ ven đường” nữa. Chị muốn người Việt Nam có nhiều hơn nguồn thực phẩm sạch an toàn với sức khỏe. “Cánh én không thể làm nên mùa xuân và ngọn cỏ không thể thành rừng, nhưng cánh én có thể báo hiệu mùa xuân và ngọn cỏ ít nhất cũng có thể phủ xanh đất bạc, rồi một ngày, rừng sẽ mọc lên từ đó” - chị đã tâm sự với tôi như vậy. Vốn xuất thân từ nông dân và có niềm yêu thích với cây cỏ, chị quyết định khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp sạch. Nghĩ là làm, chị gom toàn bộ số tiền để dành trong mấy năm trời, về quê mình ở Đắk Lắk tìm mua một mảnh đất đang có sẵn cây trồng nông sản sạch, rồi bắt đầu hành trình dấn thân của mình từ đó. Thế là, từ một nhân sự cấp quản lý có chỗ đứng vững chắc, có thu nhập ổn định trong ngành Dược, chị một bước trở thành nông dân.

   “Anh chủ trước của mảnh đất đã đổ rất nhiều công sức để gầy dựng cho được một mảnh vườn 3ha nông sản sạch không dùng phân bón hóa học, chỉ cần thêm vài năm nữa thôi là có thể chuyển đổi thành mô hình canh tác thuận tự nhiên hoàn toàn, không dùng luôn cả phân bón hữu cơ. Vậy mà anh ấy lại từ bỏ và bán lại cho chị. Đúng là chỉ có “người trong cuộc mới hiểu người trong kẹt”, giờ bước vào làm rồi mới hiểu lý do.

   Có nhiều cái khó lắm em ơi, khó nhất là tìm đầu ra. Chị không có nhiều mối quan hệ trong ngành này và cũng chưa được nhiều người biết đến nên những bài đăng bán nông sản sạch trên Facebook, Zalo chỉ có lèo tèo vài like, mà phần lớn trong số đó là những lượt “like dạo” và “like từ thiện” của cô dì họ hàng.

   Thế nên, bơ hái xuống chín rục mà không ai mua, thấy tiếc, chị đành cho bác hàng xóm để bác ấy đem cho bò ăn. Mà nhiều đến nỗi bò nhà bác ấy cũng phải lắc đầu “ọ ọ” kêu ngán. Con bé cháu 6 tuổi của bác ấy ở ngoài Hà Nội ra thăm, nhìn thấy thì kể lại cho người nhà rằng ở Đắk Lắk người ta cho bò ăn bơ” - Chị cười, một kiểu cười chua chát vọng ra từ điện thoại.




   “Cà phê hạt xanh nếu tìm được người mua theo giá hữu cơ thì được 100k/kg, nếu không tìm được người mua thì đành bán cho thương lái với giá 30k/kg như cà phê bình thường. Nếu tự rang để bán thì không bán được bao nhiêu, mà chất lượng rang cũng không ổn định em ơi! Cái mẻ chị gửi rang buổi tối thì họ rang hơi sáng, mẻ gửi rang buổi sáng thì rang hơi tối. Hình như lúc cái ông rang vui thì nó đậm, lúc ổng buồn thì nó nhạt nên khách uống cà phê phản ánh quá trời hà. Mà muốn đổi nhà rang khác thì phải chạy tới 30km lận”- Nghe chị kể mà lòng tôi thấy buồn theo.

   Niềm vui dịu êm của người nông dân là được nhìn thấy những hoa trái trong vườn lớn dần lên từng ngày, từng ngày, theo công sức vun trồng của họ. Và niềm hy vọng về những điều tốt đẹp sẽ đến trong cuộc đời cũng lớn lên theo những hoa trái ấy. Để rồi, đến ngày thu hoạch mà lại không bán được thì niềm hy vọng được nuôi lớn mỗi ngày ấy chợt biến mất làm thành một cảm giác hụt hẫng rất lớn …

   Thế nhưng, đâu mỗi chỉ mình chị gặp khó, mà đó là cái khó chung của những người mới bước chân vào con đường nông nghiệp sạch. Có người thành công nhưng phần đông là thất bại, phải bán nhà bán cửa rồi bỏ quê về lại phố.


   “Em cũng đang có ý định bán quán cà phê, để em tìm được mặt bằng mở quán rồi em mua hết cà phê của chị cho” - Tôi nói với sự quả quyết.

   Tôi đã nghĩ đến việc mở một quán cà phê từ mấy tháng rồi nhưng đó chỉ là những suy nghĩ nhen nhóm trong đầu mà tôi chưa dám nói với ai, vì sợ người nghe sẽ “bàn ra”, sợ mình nói rồi mà làm không được thì sẽ “quê xệ” lắm. Chị Thảo là người đầu tiên mà tôi dũng cảm nói ra. Phút giây đó, tôi cảm thấy một cảm giác rất nhẹ ở trong lòng, cảm giác vượt qua nỗi sợ để dũng cảm dấn thân vào một hành trình mới, có ý nghĩa cho bản thân và có ích cho cuộc đời.

 

Phần 2: Hành trình tìm quán


   Tiếp đó là những buổi trưa đổ lửa ngoài đường, tôi tranh thủ giờ nghỉ trưa chạy khắp Sài Gòn để tìm quán. Quán thì tiền sang quán quá cao, quán thì tiền thuê quá mắc, quán thì tồi tàn, quán thì nằm sâu trong hẻm nhỏ đến mấy xẹt, quán thì xa trung tâm.

   
Đi suốt 2 tháng trời mà chưa tìm được quán nào vừa ý, tôi cũng hơi nản nản. “Đi nốt quán này nữa coi sao” - ngay lúc là cái suy nghĩ vừa xuất hiện thì tôi lại tìm thấy một quán khá ổn.

   Đó là một quán bình dân không có máy lạnh nằm trên đường Đội Cung. Chiều ngang mặt tiền là 8m, chiều sâu 12m, diện tích 100m2, đủ rộng để đặt 6 bộ bàn ghế cho 30 khách. Đội Cung là một con đường nằm ở quận 11, một quận tương đối đông đúc ven khu trung tâm Sài Gòn. Đường chỉ rộng vừa đủ cho 2 chiếc ôtô chạy ngược chiều tránh nhau dễ dàng, nhưng bù lại chỗ ngày gần chợ nên xe tới lui tấp nập, nhất là giờ cao điểm, gần đó cũng có một vài quán cà phê bình dân.

   Quán này có nhiều cái hay mà cũng có mấy cái dở, tôi cũng không “ưng cái bụng” hoàn toàn mà chỉ vừa ý ở mức “hòm hòm”, “sương sương” thôi. Nên đêm ấy là một đêm trằn trọc, tôi nằm gác chân lên trán suy nghĩ, nghĩ tới nghĩ lui, nghĩ xuôi nghĩ ngược, chắc không còn chỗ nào ổn hơn được nữa đâu. Vậy là sáng hôm sau tôi đã quay lại đặt cọc.

 
***

   “Má ơi, con tìm được một mặt bằng rồi, cũng được lắm, cuối tháng này con khai trương quán cà phê của con”. Tôi gọi điện thoại kể cho má đang ở quê nghe.

   “Thôi đừng có làm con ơi, mở quán cực lắm, má mở quán cà phê mười mấy năm rồi má biết”

   “Má yên tâm, con đã có tìm hiểu kỹ sách vở với kinh nghiệm của người đi trước rồi, con cũng có học pha chế hết rồi”

   Nghe tôi kể một lát, má mới hỏi:

   “Con đi làm giờ có đủ tiền rồi, có thiếu gì thì má gửi thêm cho, làm chi cho cực vậy con?”

   “Dạ, con muốn làm cho biết ạ, làm cũng dễ lắm, có chị ba phụ nữa”

 
***

   Lát sau, tôi nghe thấy tiếng chị ba gõ cửa phòng. Tôi và chị ba ở thuê chung một căn nhà, chắc là má nghe tui kể xong nên đã gọi cho chị ba.

   
“Tao nghe má kể là mày tìm được mặt bằng rồi hả? Má sợ mày cực nên kêu tao khuyên mày đừng làm đó”.

   “Dạ” - Tôi gãi đầu, chuẩn bị tinh thần cho một cơn mưa những lời phản đối

   Khi khởi nghiệp, những lời phản đối đầu tiên thường đến từ gia đình. Nó đến từ sự yêu thương và lo lắng, má sợ tôi cực, sợ tôi mệt, sợ tôi stress. Tôi từng trò chuyện với một anh có kinh nghiệm trong lĩnh vực cà phê để nhờ tư vấn, anh ấy nói với tôi một câu: Khi bắt đầu kinh doanh một cái gì đó, chiến thắng đầu là chiến thắng sự phản đối của người thân, sau đó là chiến thắng người cho mình mượn tiền, rồi mới đến chiến thắng khách hàng.

   Chị ba hỏi thêm những dự tính của tôi một hồi rồi nói: “Tao cũng lo cho mày, nhưng mà tao biết tính mày, đã quyết tâm làm thì không ai cản được đâu”

   “Dạ”

   “Có đang thiếu tiền không? Thiếu nhiêu? Tao cho mượn”

   “Dạ, tổng số tiền cần chi để sửa quán, làm bảng hiệu, mua bàn ghế và máy pha chế là khoảng 300 triệu. Em hiện tại đang có 100 triệu, cần thêm cỡ 200 triệu nữa”

   “Ok, để mai tao ra ngân hàng rút sổ tiết kiệm rồi chuyển cho mày”

   “Ôi chị ba! Chị đẹp nhất đêm nay”

   “Thôi mày! Đừng có nịnh mày!”

 

Phần 3: Duyên cớ thứ 2

 
     Má tôi có mở 1 quán cà phê cóc trước nhà nên từ hồi học sinh tôi đã biết uống cà phê. Hồi đó chỉ uống để tỉnh táo học bài cho vô chứ cũng chưa biết thưởng thức là gì. Tôi thi đậu Đại học vào ngành Dược, thời sinh viên của tôi là những tháng ngày phải học ngày học đêm, mà cứ hễ về nhà trọ là chỉ muốn ngủ nên phải ra quán cà phê cho dễ tập trung học bài.

     Dù là sinh viên nhưng nhờ có đi dạy luyện thi Đại học môn Hóa nên chuyện tiền thì tôi không thiếu. Tôi chọn những quán có máy lạnh, có tiếng nhạc dịu nhẹ, tiếng ồn vừa phải, mọi người xung quanh đều tập trung học và làm, ở đó não của tôi hoạt động nhanh gấp đôi gấp ba bình thường.

     Trong cái menu toàn những món nước mấy chục nghìn, tôi hay order món cà phê vì nó là món rẻ nhất, (tiền thì tôi không thiếu nhưng nhiều thì tôi không có). Thế là, cơ duyên bước vào con đường “nghiện ngập” chính thức bắt đầu từ đó, tôi dần “ghiền” cái thức uống đắng đắng thơm thơm này. Ban đầu là nghiện nhẹ, lâu dần di căn thành nghiện nặng hồi nào không hay.

   Rồi tôi tốt nghiệp Đại học và đi làm trong ngành Dược. Khi ấy là khoảng tháng 6 năm 2018, tôi đã đi làm được 4 năm, công việc đã khá ổn định, ổn định đến mức nó làm tôi cảm thấy đầu óc mình bị trì trệ. Sáng mở mắt dậy đi làm, tối ăn cơm xong thì la cà quán xá rồi về nhà nằm lướt Tik Tok, Facebook, Youtube cho hết ngày. Rồi nhắm mắt, chìm vào giấc ngủ mông lung trong chuỗi ngày mông lung. Tôi cũng không nhớ bản thân đã mơ gì, chỉ biết khi thức dậy mỗi sáng là cảm giác chơi vơi và không hài lòng với hiện tại.

   Niềm yêu thích với cà phê thì tôi vẫn giữ, khi rảnh tôi hay đến thưởng thức ở những quán được đánh giá cao. Trong một lần, tôi đọc được tờ rơi quảng cáo chiêu sinh khóa học rang xay của quán. Nghĩ về sở thích cà phê của mình, tôi thoáng qua ý định đăng ký học thử xem sao. Tôi đã đọc đâu đó rằng, học một kỹ năng mới là cách tuyệt vời để refresh lại tâm trí và tạo ra hứng khởi cho cuộc sống.

   Người ta bảo, khi bạn phát một ý niệm lên vũ trụ, vũ trụ sẽ hồi đáp lại bạn. Thật vậy, Facebook & Youtube của tôi những ngày sau đó tràn ngập những quảng cáo về khóa học rang xay cà phê. Tôi tham khảo nhiều nơi và chọn được một chỗ có uy tín. Sau cú click chuột chuyển khoản học phí, 17 triệu đã “bay màu”. Dự định đi chuyến du lịch Singapore đành gác lại, thôi thì cái nào cũng là trải nghiệm, trải nghiệm này thì đáng giá hơn thì mình nên ưu tiên.

   Những ngày sau đó, họ dạy tôi cách cách vận hành máy rang, kiểm tra chất lượng cà phê, pha chế cà phê sao cho ngon nhất. Vận hành máy rang là một công việc đầy thú vị, người ta nói đàn ông mãi là những đứa trẻ, chỉ có thân xác và món đồ chơi là to lên theo thời gian. Đứng cả buổi bên chiếc máy rang to bằng cả căn phòng, vừa ồn ào vừa nóng nực, người ngoài nhìn vào thì bảo sao cực quá nhưng đối với tôi đó là phút giây tĩnh lặng nhất trong ngày. Có những buổi học mà người tôi bám đầy mùi cà phê, đến nỗi chị ba trong nhà mà nghe thoảng mùi cà phê trong gió là biết thằng Đức đã về tới cổng.



   Chắc là do hợp duyên với ngành này, nên trình độ của tôi sau khóa học có những sự tiến bộ lớn. Tôi thử tham gia vài sự kiện rang xay giao lưu và nhận được nhiều ý kiến đánh giá tích cực, rồi cũng “lụm” về được một vài giải thưởng nho nhỏ. Những điều đó dần nuôi lớn sự tự tin của tôi. “Hay là mình khởi nghiệp trong ngành này nhỉ? Ngành này cũng nhàn, khách đến thì bán, khách đi thì dọn, mà vốn cũng không cần nhiều” - Ý định mở một quán cà phê đã xuất hiện đến từ lúc đó. Nó như hạt thóc gieo mình xuống nền đất ẩm, chờ ngày nứt mầm vươn lên.

   Nhưng tôi vẫn cứ chần chừ hết mấy tháng trời, phải đến cuộc trò chuyện với chị Thảo nó mới trở thành một quyết tâm rõ ràng.

 

Phần 4: Ngày khai trương


   Nếu kinh doanh như một trò chơi, thì tôi không thuộc dạng “người chơi hệ tâm linh”. Là một đứa học ngành Dược, thường xuyên tiếp xúc với những kiến thức khoa học nên những việc như cúng kiếng, chọn ngày lành tháng tốt, giờ giấc hợp mệnh để khai trương tôi thấy kỳ kỳ. Sửa quán mất 2 tuần, tôi nhắm mắt chọn bừa một ngày nào đó vào cuối tháng cho vừa thời gian. Trùng hợp là cuối tháng 2 có ngày 27 là ngày “thầy thuốc Việt Nam” nên tôi lấy ngày đó luôn.

   Buổi sáng ngày khai trương, chắc do tôi “ăn ở” cũng tốt nên bạn bè người quen trong bên công việc và bên lĩnh vực rang xay đến ủng hộ cũng nhiều. Gần ba chục người, ngồi kín cả quán.

   “Giờ được làm chủ rồi hen! Sướng hen! Còn bọn này thì vẫn còn làm công ăn lương!”

   Có thằng bạn nói giỡn: “Chủ quán mà nhìn cứ như tiểu nhị”. Từ hồi đại học, tôi đã hay bị bạn bè body shaming về ngoại hình nhỏ con, gầy gầy, ngố ngố của mình. Tôi lại thấy câu đùa ấy thú vị, biết đâu sau này mình trở thành một chuỗi cà phê lớn thì tôi sẽ làm cái kịch bản: chủ tịch giả vờ làm nhân viên và cái kết đừng bao giờ coi thường người khác.

   “Tiểu nhị, cho ta một ly cà phê!” - nó lại chọc tôi tiếp.

   “Dạ, có ngay thưa khách quan!” - tôi đáp lại nó.

   Buổi sáng khai trương có nhiều người quen tới ủng hộ làm tôi vui lắm. Nhưng từ mấy ngày trước, tôi đã phải thức khuya dậy sớm, phải chạy sấp chạy ngửa lo việc sửa quán, làm bảng hiệu, mua sắm bàn ghế,… cho kịp ngày nên đến hôm ấy tôi đuối vô cùng. Ngoài mặt thì tươi cười tiếp chuyện với đám bạn thân đến ủng hộ nhưng trong bụng thì mong thầm là: “Tụi bây về lẹ lẹ đi cho tao ngủ”

   5g sáng dậy tôi đã bơm một ly cà phê, 10g bơm thêm một ly nữa, thế tới 2g chiều là mắt đã mở không lên. Cũng may, hôm ấy chị ba xin nghỉ để phụ tôi, thấy cũng đang vắng khách, tôi nhờ chị coi quán rồi chạy về nhà làm một giấc thẳng cẳng. Mở mắt dậy nhìn đồng hồ đã là 6g, giật mình nhớ là còn nhóm bạn khác sẽ đến chơi buổi tối, tôi vội phi ra quán để “đi khách” tiếp hiệp 2.

 

Phần 5: Feedback của khách hàng


   Chị ba quyết định nghỉ công việc kế toán đang làm, chị nhận đứng bán ca sáng và ca trưa. Buổi sáng khách đông nên tôi có thuê thêm một bạn nhân viên để phụ, buổi trưa vắng khách nên một mình chị ba là đủ, còn tôi bán ca tối vì ban ngày vẫn đi làm trên công ty.

   Có một chiều tan làm, tôi đến quán để nhận ca tối, vừa bước vô quán thì chị ba hớt ha hớt hải chạy ra nói với tôi:

   “Đức ơi Đức, khách họ phàn nàn về cà phê kìa!”

   Tôi giật mình. “Hở, họ phàn nào sao vậy chị?”. Là một người làm rang xay kỹ tính mà lại để khách phàn nàn về cà phê thì tôi cảm thấy hơi khó chịu. Tôi cố nhớ lại trong đầu xem mẻ vừa rồi mình có rang lỗi chỗ nào không.

   “Khách họ phàn nàn là … cà phê ngon quá!”

   “Quỷ sứ hà! Chị làm em hết hồn hà!”

   Hai chị em bật cười, chị ba thì cười tươi hơn vì mới chọc ghẹo được thằng em.

 
***

   Tôi hay ra quán sớm, phụ chị với bạn nhân viên dọn quán và đón đợt khách đầu tiên rồi mới chạy qua công ty đi làm. Hôm ấy, có anh chạy chiếc Mercedes màu đen bóng loáng đến, đậu xe trước cửa quán rồi vô mua hẳn 30 ly cà phê mang về cho cả công ty. Trong khi chờ pha cà phê, tôi hỏi chuyện mới biết anh ấy là giám đốc một công ty gần ấy, được nhân viên mua cho một ly cà phê từ quán tôi. Đợt ấy tôi làm chương trình khuyến mãi nên cà phê mang về chỉ có 15k. Anh kể: “Ban đầu nghe cái giá 15k thì anh cũng sợ sợ, tưởng tượng đến cà phê lề đường, uống vào phát là có ngay cái hẹn với Tào Tháo. Nhưng nghe nhân viên nói ngon lắm nên anh cũng nhấp thử một miếng, đúng là ngon thật. Cà phê của chú thơm nhẹ dịu, ngọt tự nhiên, đậm một cách cân bằng vị. Uống xong mà hương vị vẫn còn đọng lại trong miệng. Anh là dân thưởng thức cà phê lâu năm ở nhiều chỗ rồi, lần đầu anh thấy cà phê ngon, chất lượng hạt tốt mà lại rẻ như vậy”.

   
Tôi nhận được rất nhiều phản hồi tốt của khách hàng, mỗi lần vậy thì cứ sướng lâng lâng cả ngày. Có vài khách sành uống hỏi tôi lấy cà phê từ nhà rang nào, rồi họ bất ngờ khi tôi nói là tự mình rang, thế là họ hỏi mua hạt rạng xay mang về. Một chị lên Sài Gòn thăm người thân, vào uống thấy ngon nên đã đặt sỉ dài hạn cà phê của tôi để dùng cho quán chị ấy ở Tiền Giang. Những đơn hàng cà phê rang xay sỉ và lẻ đầu tiên của tôi đã bắt đầu như thế. Cho đến tận bây giờ, họ vẫn tiếp tục tin dùng cà phê của tôi.

   Ban đầu tôi đem cà phê nhân xanh của chị Thảo đến những chỗ cho thuê máy rang rồi tự rang. Đến khi đơn hàng rang xay nhiều lên, tôi quyết định chơi lớn, tiếp tục vay tiền chủ nợ (là chị ba) để mua hẳn một cái máy rang về nhà mới đáp ứng kịp.

 
***

   Đó là những chuyện vui, bây giờ là những chuyện buồn.
 

Phần 6: Vấn đề dột quán

 
   Mùa mưa ở Sài Gòn bắt đầu từ tháng 5, những cơn mưa rào sẽ làm những người nông dân Tây Nguyên vui mừng vì rau quả lớn nhanh, lại sắp đến vụ mùa thu hoạch bơ, nghĩa là tiền sắp về túi. Nhưng với những người bán cà phê như tôi thì đó là mùa buồn thúi ruột. Có nhiều buổi chiều không đi làm, tôi ra phụ chị coi quán. Đúng hôm trời mưa là hai chị em sẽ có “tiết mục” ngồi trong cái quán vắng khách nhìn cơn mưa bay bay ngoài đường mà thi nhau thở dài. Sài Gòn trong cơn mưa là một thế giới rất khác. Buồn và đìu hiu đến lạ.

   Một bên vách của quán, nước nhiễu xuống thành dòng. Gọi thợ đến sửa thì họ nói là do lỗi thiết kế nhà, nên cũng lắc đầu bó tay. Chị ba nói: “Làm tao nhớ tới hồi nhỏ, nhà mình nghèo nên nhà bị dột nóc, tao với mày ngồi nhìn chỗ dột, đếm những hạt nước rơi xuống thau đựng dưới nền, lắng nghe âm thanh tóc tóc và coi như đó là niềm vui của trẻ con”

   Một chuyện buồn khác của mùa mưa là vũng nước đọng trước cửa quán do mặt đường bị lõm xuống, nếu oto hay xe máy chạy nhanh qua thì nước sẽ tạt vào. Đúng là khi kinh doanh, có nhiều vấn đề dù tìm hiểu kỹ mấy cũng không nhìn thấy trước được. Rồi phải đến khi bước vào vận hành thì nó mới hiện ra.

 

Phần 7: Vấn đề tài chính

 
   Cũng một buổi chiều mưa khác, chị ba ngồi gõ gõ gì đó trên laptop rất lâu rồi kêu tôi lại xem. Chị ba là dân kế toán nên nhận việc quản lý tiền nong, chị chỉ tôi xem một bảng "sao kê" những chi phí của quán

   16 triệu tiền thuê nhà
   3 triệu tiền điện nước
   12 triệu tiền lương cho chị ba và bạn nhân viên
   1 triệu chi phí lặt vặt khác
   Chi phí nguyên liệu khoảng 30% doanh thu

   Chị kết luận, nếu muốn hòa vốn thì doanh thu phải được 60 triệu/tháng, nghĩa là 2 triệu/ngày. Những tháng trước mùa mưa thì doanh thu ngang ngửa mức ấy nhưng bây giờ thì chỉ được cỡ 1 triệu rưỡi thôi nên mình đang phải gánh lỗ 15 triệu/tháng.

   15 triệu là con số ngang ngửa tiền lương của tôi khi ấy. Nghĩa là cả tháng đi làm sáng chiều trên công ty, buổi tối bán ở quán mà chẳng dư thêm đồng nào.

   Từ cái file excel của chị, tôi trở nên hoang mang, nó làm tôi có cảm giác trông mong từng người khách một và sợ từng cơn mưa một. Trước khi quyết định mở quán, tôi có tìm đọc cuốn sách "Vận hành một quán cà phê", cuốn sách ấy viết rất nhiều về kiến thức (knowledge), nói một về kỹ năng (skill), nhưng lại hầu như không đề cập gì đến những trạng thái tâm (attitude) mà một người thực làm phải trải qua.

   “Ngành này cũng nhàn, khách đến thì bán, khách đi thì dọn, mà vốn cũng không cần nhiều” – tôi tự cười vào cái suy nghĩ ngây thơ lúc trước của mình.

   Những cơn mưa rồi cũng thưa dần, những tháng mưa rồi cũng kết thúc, thế nhưng tình hình doanh thu lại không cải thiện.

 

Phần 8: Vấn đề giá bán


   Muốn tăng doanh thu thì phải tăng giá hoặc tăng thêm khách. Tăng giá sẽ không thành vấn đề đối với những khách đến uống thưởng thức, nhưng họ chỉ chiếm số ít, còn với khách bình dân đến uống là một vấn đề lớn. Với một quán cà phê không máy lạnh, mức giá 20k/ly cà phê trong khu đó đã là hơi cao. Hồi đó tôi chọn quán này do nó gần chợ, nghĩ rằng gần chợ thì khách trong khu vực sẽ đông nhưng thực tế lại khác hẳn. Khách trong khu vực thì thích rẻ và hay so sánh giá với quán khác.

   Muốn tăng thêm khách thì phải tăng chi phí Marketing, chạy quảng cáo, chương trình khuyến mãi,… mà như thế thì doanh thu hòa vốn mỗi ngày sẽ phải cao hơn con số 2 triệu.

   Cũng may, những đơn hàng rang xay trong thời gian ấy cũng nhiều hơn. Có tháng được đặt rang đến 500 kg, tiền lời được 15 triệu, vừa đủ bù vào khoản lỗ bên quán cà phê.

 

Phần 9: Vấn đề bãi gửi xe


   Một vấn đề chí tử khác mà khi vận hành rồi tôi mới nhận ra là chỗ để xe cho khách. Đoạn đường này đã được tạt bớt vỉa hè để mở rộng nên chiều sâu của phần vỉa hè còn lại ngắn hơn cả chiều dài chiếc xe máy. Để xe lên vỉa hè thì nửa bánh xe sau ăn xuống lòng đường. Dắt xe lên xuống cũng khó, có một bạn nữ nhỏ con mặc váy ngắn công sở, trong lúc lùi chiếc Lead ra đã bị té trầy chân. Cái quan trọng nhất là để tối đa thì cũng chỉ được 10 chiếc, mà hết 2 chiếc là xe của nhân viên. Khi mùa mưa kết thúc thì chỗ nhận gửi xe gần đó đóng cửa, để xe chỗ khác thì khách phải đi bộ khá xa.
 

Phần 10: Sự bế tắc & hướng đi sáng sủa hơn


   Nghĩ tới nghĩ lui, đọc đủ thứ các loại sách, nhờ những người có kinh nghiệm tư vấn mà vẫn không tìm ra được một cách nào khả thi để tăng doanh thu. Bù lỗ thì vẫn cố được nhưng nghĩ những cố gắng của mình sẽ không đi đến đâu cả thì tôi thấy nản.

   Nhìn qua mảng rang xay, tiền lời bên đó cũng tương đối ổn định và tăng đều nhưng đang phải đắp qua cho bên này.

   Thời gian ấy, thị trường cà phê Việt Nam đang có nhiều sự chuyển mình lớn. Xu hướng tiêu dùng xanh và sạch phổ biến dần ở Việt Nam đã làm cho người uống cà phê phải suy tư nhiều hơn. Lúc nhấp ly cà phê đắng đắng thơm thơm trên môi, họ nghĩ nhiều hơn về sức khỏe của mình. Trong ly cà phê này có chất gì? Có hại gì không?

   Lúc mà giọt cà phê đã thấm vào tâm hồn và lan tràn cảm giác hạnh phúc dìu dịu vào tâm trí, họ nghĩ nhiều hơn đến hạnh phúc của người nông dân, và hạnh phúc của đất mẹ. Liệu có phải vì ly cà phê thơm ngon này mà người nông dân phải hy sinh sức khỏe cho những gói hóa chất bảo vệ thực vật? Liệu có phải vì ly cà phê thơm ngon này mà cây rừng đã phải ngả xuống, và đất bị bạc màu đi?




   Khi nhận thức tiêu dùng của người Việt Nam dần nâng lên thì xu hướng sạch và xanh là một điều tất yếu, không thể cản lại. Nó như cơn gió đang lồng lộng thổi, đẩy lùi những con thuyền ngược chiều và tiếp đà cho những con thuyền xuôi chiều.

   Tôi tự thấy bản thân mình cũng không tài giỏi gì, dự án kinh doanh này chỉ như con thuyền nhỏ, may mắn đi thuận chiều gió và được nó đẩy đi nhanh. Lời hứa mua hết cà phê cho chị Thảo tôi đã thực hiện được, mà lại còn không đủ, tôi phải tìm kiếm thêm những nông trại thuận tự nhiên khác để đáp ứng đơn hàng.

   Nếu đóng cửa quán, tôi sẽ có thể tập trung vào bán sỉ cà phê rang xay cho các quán. Tôi sẽ có thêm nhiều khách hàng mới, nhiều mối quan hệ, nhiều chuyến đi, nhiều hiểu biết hơn. Tôi sẽ giải quyết được nhiều hơn đầu ra cho những người nông dân như chị Thảo. Những người đang miệt mài theo đuổi một phương thức nông nghiệp vừa sạch cho người tiêu dùng vừa ít gây hại cho tự nhiên nhất có thể.

 

Phần 11: Sự tiếc nuối


   Nhưng mà, mới mở cửa 7 tháng mà đã đóng cửa thì có phải quá nhanh không? Mình chỉ mới biết một chút về kinh doanh quán cà phê mà đã phải dừng lại.

   Tôi cảm thấy tiếc công sức đã bỏ ra, tiếc lượng khách ổn định đã gây dựng. Những vị khách đã đến thưởng thức cà phê của mình, giờ không còn gặp lại họ nữa. Không còn những lời khen làm sướng lâng lâng cả ngày nữa. Không còn nơi để bạn bè quen biết tụ tập lại. Tiếc vì không còn nơi để mình tự pha những món nước mà mình yêu thích. Không còn cơ hội để chia sẻ cho vị khách về giá trị của nông nghiệp sạch nữa.

   Tôi cũng cảm thấy có lỗi với chị ba lắm, vì tôi mà chị ấy nghỉ công việc kế toán ổn định với lương tháng 8 triệu ở công ty, để qua phụ tôi bán quán với mức lương 6 triệu. Bây giờ đóng cửa quán thì chị ba phải tìm lại công việc khác.

 

Phần 12: Quyết định khó khăn


   Ban công phòng tôi có chậu khế kiểng, mua về vài tháng thì tự nhiên nó ra rất nhiều trái. Một cây khế nhỏ trong chậu mà lại trổ hơn chục trái to, tròn, đẹp. Thế nhưng, ngược lại với những trái ấy là cành lá héo úa và xơ xác dần.

   Có người bạn qua chơi đã chỉ tôi phải lặt bỏ trái, tỉa bớt cành. Tôi làm theo và chỉ giữa lại một vài trái cho đẹp. Sang tháng sau, cây khế kiểng dần vươn ra những cành non mới, xanh tươi và nhiều sức sống.

   Tôi trong giai đoạn đó cũng như cây khế kiểng, trổ rất nhiều trái nhưng chúng lại là những gánh nặng trên cành, làm tâm trí của tôi xác xơ và mệt mỏi. Tôi dễ trở nên cáu gắt với chị và nhân viên, trên công ty thì dễ bị khó chịu với đồng nghiệp. Công việc đến thì chỉ ráng làm nhanh nhanh vội vội cho xong. Cảm giác thưởng thức sự tĩnh lặng trong cái ồn ào khi đứng bên máy xay không còn nữa, mà chỉ là sự nôn nóng làm cho kịp giao hàng. Có lẽ áp lực đã khiến tâm hồn tôi trở nên cằn cỗi giống cây khế kia chăng?

 
***

   “Alo, có phải anh Đức đăng tin sang quán cà phê trên đường Đội Cung không?” – Cuộc gọi làm tôi cảm thấy giật mình. Tôi có nhờ chị ba đăng tin sang quán lên vài group facebook, mà cũng không ngờ là có người liên lạc mình nhanh đến vậy. Họ gọi tôi buổi sáng, buổi chiều đến xem quán, buổi tối gặp tôi thương lượng và ký hợp đồng sáng quán luôn. Mọi thứ diễn ra nhanh đến mức không ngờ, lúc trước quyết định nhận quán cũng nhanh, bây giờ quyết định sang quán cũng nhanh.

   
Lúc trước, tổng chi phí bỏ ra để nhận quán và sửa quán là 300 triệu, bây giờ sang lại được 200 triệu, là vừa đủ để trả số tiền mà tôi mượn chị ba, khoản lỗ 100 triệu cũng vừa vặn với số tiền để dành của tôi. Đêm đó, tôi chạy xe về nhà mà cứ nghĩ mãi về số tiền 100 triệu ấy. Với 100 triệu, tôi có thể đã có một chuyến du lịch châu Âu hay đổi một chiếc xe mới, đổi một cái laptop mới, một cái iPad mới. Tôi tự an ủi bản thân, thôi thì một trải nghiệm kinh doanh đáng giá hơn.
 

Phần cuối: Kết thúc


   Ngưng bán quán. Đó là một cảm giác trống vắng khi phải đột ngột dừng một thói quen rất thân thuộc hằng ngày. Nhiều buổi sáng, trong trạng thái ngủ lơ mơ gần tỉnh, tâm trí tôi tự động liệt kê ra những việc phải làm trên quán. Phải chuẩn bị tiền lẻ, tưới nước mấy chậu cây, sửa lại cái ghế bị hư, trang trí lại quầy nước. Rồi khi đầu óc đã tỉnh táo hẳn, tôi hụt hẫng nhận ra rằng mình đã đóng cửa quán mất rồi.

   Có buổi chiều đi công việc ngang quán, tôi dừng xe đứng nhìn quán từ xa, thấy mấy anh thợ đang tháo cái biển của mình xuống và gắn cái biển của chủ mới lên, cảm giác như đang rơi mất đi một điều gì đó.

   Rồi lại là những buổi tối đi làm về, la cà quán xá, về nhà nằm lướt hết Facebook, Youtube rồi đến Tik Tok. Rồi chìm vào giấc ngủ mênh mang.

 
***

   Nhưng trạng thái ấy cũng không kéo dài, tôi xách ba lô lên và lặn lội vào miền Tây Nguyên xa xôi để tìm thêm những nông trại mới. Như cây khế kiểng, khi rũ bỏ những gánh nặng thì năng lượng tinh thần trong tôi phục hồi rất nhanh. Tôi cảm thấy nhiều hứng khởi hơn trong những việc bình thường hằng ngày.

   
Theo đó những hiểu biết mới về nông nghiệp thuận tự nhiên cũng dày dặn và sát thực tế hơn. Tôi học được cách xây dựng được mô hình quản lý đầu vào, hài hòa cả chất lượng sản phẩm, thu nhập của người nông dân.

***

   Nghĩ lại, quán cà phê đã hoàn tất nhiệm vụ của nó, là chiếc bè để tôi băng qua con sông, tạo cho tôi cơ hội để khám phá ra một mô hình kinh doanh có tiềm năng to lớn hơn. Để khi qua được con sông rồi, tôi cần phải bỏ chiếc bè lại, và đi tiếp.

   Biết đâu được, sau này, khi mọi điều kiện đã chín muồi, tôi sẽ mở lại một quán khác. Nhỏ thôi nhưng ấm cúm, ở đó, bạn sẽ được thấy một tên “tiểu nhị” đứng ở quầy pha chế. Bước vào, bạn cứ hô thật to:

   “Tiểu nhị, cho ta một ly cà phê”

   Hắn sẽ đáp lại bạn:

   “Dạ, có ngay thưa khách quan”


 
* Hết *

 
   Phóng tác theo lời kể của anh Đức (nhà rang Xì Phố) bởi nhà văn Phạm Nguyễn Minh Trung

   Lời tái bút: Câu chuyện được viết bởi 7 phần thực 3 phần hư với mục đích tạo thêm hứng thú cho người đọc. Hy vọng với sự ủng hộ của mọi người, Đức và Trung có thể tiếp tục cho ra thêm nhiều những câu chuyện bên kia bờ sông của anh chàng “tiểu nhị”.

 

Lê Đức

Xì Phố Cafe

Bài viết liên quan

Nước, Cây - Mạch nguồn sự sống
Nông nghiệp vườn Rừng

Nước, Cây - Mạch nguồn sự sống

Hiện nay có nhiều tranh cãi, nhiều nguồn thông tin liên quan đến việc nên uống nước nào thì tốt cho sức khỏe con người, nhiều góc nhìn khác nhau về...

Xem bài viết
Xì Phố|06/05/2023
Điều kiện tự nhiên đối với canh tác cà phê Arabica và Robusta
Nông nghiệp vườn Rừng

Điều kiện tự nhiên đối với canh tác cà phê Arabica và Robusta

Bạn có bao giờ đặt ra câu hỏi vì sao cà phê Arabica chỉ xuất hiện ở một số vùng trồng như Sơn La, Quảng Trị, Lâm Đồng của Việt Nam hay cà phê Robusta...

Xem bài viết
Xì Phố|30/12/2022