Bạn có trải nghiệm thế nào với hạt Robusta?

Xì Phố|18/05/2023|7 phút đọc

Còn với tụi mình, trong tâm thế của người thưởng thức cà phê mỗi ngày, cả Arabica và Robusta đều có sức hấp dẫn theo cách riêng.
 

Mình nhớ lần đầu uống ly cà phê 100% hạt Robusta từ Vườn nhà Dũng đã không khỏi bất ngờ - “Hạt Ro có hương thơm của trái cây, chocolate rõ quá. Đậm vị đắng và rõ vị ngọt. Uống xong ly cà phê pha phin ấy uống ngay một ngụm nước lọc thì vị ngọt càng rõ hơn” - đó là điều mình cảm nhận được dù trước đó vẫn thường mặc định - “Uống Ro phải mix thêm chút hạt Ara mới dễ uống”.
 

Nếu Arabica mang lại cảm giác dịu nhẹ thanh thoát như làn gió mát mẻ thoáng qua, thì Robusta lôi cuốn hấp dẫn đến kỳ lạ. Hương vị cá tính. Đậm đà. Mạnh mẽ. Phải rồi, nó khiến người ta phải nán lại một chút để tận hưởng hương vị của mình.



Hôm trước, mình được một người bạn hỏi: “Nếu trở về làm nông dân, cậu sẽ ưu tiên trồng Arabica hay Robusta?” Câu trả lời của mình là – không có sự ưu tiên. Bởi, dù là giống cà phê nào cũng mang những phẩm chất và câu chuyện thú vị.
 

Trên thực tế, mình bắt gặp rất nhiều chia sẻ, định kiến về hương vị của Robusta. Điều này cũng không quá khó hiểu. Từ khi cà phê được đưa vào Việt Nam, mục tiêu hàng đầu của các nông trại trồng Robusta là thu hoạch nhân xanh với sản lượng lớn để xuất khẩu, sản xuất cà phê hòa tan. Cà phê Robusta vô tình trở thành nguyên liệu để tạo nên một sản phẩm chứ ít được khai thác đúng hương vị nguyên bản của nó. 
 

Trải qua nhiều thập kỉ, cà phê Robusta tiếp tục được biến tướng dưới dạng: cà phê trộn cùng một số loại hạt khác (hạt đậu nành, hạt bắp), cà phê tẩm ướp hương phụ liệu… Điều này bắt đầu từ giai đoạn từ sau năm 1986, bước ngoặt chuyển từ nền kinh tế bao cấp sang nền kinh tế thị trường đã “mở lối” trở lại cho ngành cà phê. Tuy nhiên, trong giai đoạn này nhu cầu tiêu thụ cà phê tăng cao trong khi nguồn cung chưa kịp đáp ứng đủ. Hệ lụy kéo theo chính là buộc người sản xuất cà phê cho vào loại hạt này nhiều nguyên liệu khác để tăng thành phẩm đầu ra, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. 




 

Dần dà, từ thói quen thưởng thức cà phê mỗi ngày cùng những câu chuyện truyền thông, người ta chẳng còn phân biệt được đâu là hương vị thực sự của cà phê. Hoặc bị nhầm lẫn, hoặc bị lãng quên nhưng đâu còn ai nghĩ về một ly cà phê đượm hương của vùng đất đỏ bazan, thơm mùi chocolate, mùi hạt khô, vị đắng dịu và ngọt sâu. 
 

Về sau này, sự du nhập của các phương pháp pha chế, các loại đồ uống mới từ cà phê cùng không gian trải nghiệm, đặc biệt là sự phát triển của cà phê đặc sản, việc sản xuất cà phê Robusta chất lượng cũng dần được chú trọng. Từ việc giữ cà phê mộc đến cà phê chất lượng cao. 
 

Nếu người anh em Arabica được phổ biến với cái tên Specialty thì Robusta được biết đến với Fine Robusta. Về cơ bản, giữa hạt Robusta và Arabica có những đặc tính hương vị khác nhau. Bởi vậy, thật khó để kỳ vọng một ly Robusta có những nốt hương – vị giống một ly Arabica. Và ngược lại. Đây là điều mà nhiều người vẫn nhầm lẫn, từ đó đưa ra những phán xét chưa đúng về hạt Robusta. 
 

Thêm nữa, khi hạt Robusta được trồng ở điều kiện tự nhiên lý tưởng, được canh tác phù hợp, được thu hái quả chín kỹ lưỡng, được lên men theo tiêu chuẩn khắt khe, chắc chắn sẽ mang đến những phẩm chất hương vị đặc biệt. Điều này đã được chứng minh bởi nhiều chuyên gia trên thế giới. Năm 2010, Viện Chất lượng cà phê (Coffee Quality Institute, viết tắt là CQI) đã thành lập Chương trình Q Robusta. Trong năm 2021, CQI đã ra mắt các giao thức & tiêu chuẩn Robusta hảo hạng. 



 

Trong thời gian đầu năm 2022, có khoảng 15 mẫu cà phê Robusta Việt Nam đạt tiêu chuẩn FineRo kiểm định bởi CQI – Stone Village Lab & Education Vietnam và tham gia sự kiện Specialty Coffee EXPO 2022 – Triển lãm cà phê Đặc sản 2022, tổ chức tại thành phố Boston, Massachusetts, nơi quy tụ các chuyên gia cà phê đặc sản lớn nhất Bắc Mỹ. 
 

Tụi mình không biết các bạn đã từng có trải nghiệm thế nào với Robusta, nhưng vẫn mong mỏi chúng ta hãy luôn sẵn sàng mở lòng để trải nghiệm những điều thú vị từ những hạt cà phê bé xíu xiu. Thứ hạt nhỏ mà có võ ấy quả thực còn nhiều điều để chúng ta khám phá.
 

Và cũng cần nhấn mạnh thêm, nếu anh em đã quen uống hạt Arabica chất lượng thì cũng nên tìm hiểu và hạt Robusta được làm chất lượng mà thưởng thức. Bởi khi hạt Ro được làm theo tiêu chuẩn cao (canh tác sạch, phù hợp thổ nhưỡng, thu hái chín, sơ chế chất lượng, loại bỏ lỗi) thì chắc chắn hương vị của nó không hề kém cạnh so với người anh em Arabica, bởi chúng sẽ mang những cá tính hấp dẫn rất riêng. Cá tính hương vị mà bạn không thể tìm trong những hạt Arabica.
 

Cho đến hiện tại, hành trình tìm về hương vị nguyên bản của Robusta, chú trọng đầu tư chất lượng cho Robusta đang dần phát triển ở nhiều farm cà phê sạch, trải dài ở nhiều nơi trên mảnh đất hình chữ S. Mong rằng tương lai gần tới, sẽ còn nhiều cú chuyển mình tạo nên dấu ấn sâu sắc cho hạt cà phê Robusta.

---

 

Xì Phố Cafe

Cà phê canh tác tự nhiên

Fanpage: Xì Phố Cafe

IG: @xiphocafe

Hotline: 0971.999.197

Bài viết liên quan

Robusta Việt Nam: Từ việc phải "núp bóng" cũng dần tìm được vị thế riêng
Hạt cà phê

Robusta Việt Nam: Từ việc phải "núp bóng" cũng dần tìm được vị thế riêng

Nhìn lại hành trình của hạt Robusta Việt Nam, tụi mình cảm thấy đó là chặng đường dài “chinh chiến” của loại hạt cà phê này. Bắt đầu từ việc là giải...

Xem bài viết
Xì Phố|22/08/2023
"Cà phê là một loại trái cây canh tác tự nhiên chứ không phải thứ bột từng thấy"
Hạt cà phê

"Cà phê là một loại trái cây canh tác tự nhiên chứ không phải thứ bột từng thấy"

Có ai đã từng định nghĩa “cà phê là thức uống hòa tan”, có ai đã từng địa nghĩa “cà phê là loại bột màu đen, pha bởi phin ra nước màu đen sì”, có ai...

Xem bài viết
Xì Phố|19/03/2023