Hạt cà phê
Vì sao “cà phê bản địa” hấp dẫn những người yêu cà phê?
Cà phê bản địa là việc nhắc đến dòng cà phê được truy xuất nguồn gốc rõ ràng, bao gồm tên nông trại - vùng trồng với điều kiện tự nhiên, độ cao, thổ...
Xem bài viếtCũng như nhiều loại trái cây, trái cà phê sẽ đi qua quá trình thụ phấn ở hoa - đậu quả - tích lũy dưỡng chất - chuyển hóa và chín dần. Ở bài chia sẻ này, Xì Phố sẽ nói cụ thể hơn về thời gian để bạn hiểu thêm về vòng đời của trái cà phê Robusta, trong quá trình này sẽ có những yếu tố thuộc về canh tác dưới tán cây (bóng râm) có những ảnh hưởng đến chất lượng hạt hay cụ thể hơn là tạo nên sự đa dạng về hương - vị của hạt cà phê. Bạn cùng tìm hiểu nhé!
Thông thường vào tháng 2 hàng năm, sau vụ thu hoạch và nghỉ ngơi khoảng 1 tháng, nắng đều và cây bắt đầu phân hóa mầm hoa. Những nông trại bắt đầu tưới nước để tạo ẩm cho cây ra hoa. Chúng ta thường nghe tháng 2 là mùa con ong đi lấy mật ở Tây Nguyên, bởi đây là thời gian hoa cà phê nở rộ nên cũng là mùa mật ong hoa cà phê.
Hoa cà phê mọc ở các chồi nách lá của cành sơ cấp và cành thứ cấp. Hoa cà phê thường nở về đêm và nở hết khoảng 4-5 giờ sáng. Cà phê Robusta thụ phấn chéo (giao phấn) là chủ yếu, đặc tính này phụ thuộc rất nhiều vào gió và côn trùng, vì vậy việc nuôi ong mật trong vườn cây cà phê cũng là biện pháp tăng tỷ lệ đậu quả của cà phê. Cà phê vối không ra hoa lại ở những đoạn cành (hoặc nách lá) đã ra hoa năm trước.
Hoa cà phê nở và tàn rất nhanh, hoa sau khi tàn vẫn bám lại đến khi quả hình thành để che chắn bảo vệ cho quả non trong giai đoạn mùa khô cao điểm, đó là cơ chế của cây. Cùng với đó, những nông trại của chúng tôi trồng thêm cây che bóng và cây rừng để góp phần che chắn cho quả cà phê còn non yếu.
- Giai đoạn 1: 6 tuần đầu sau khi nở hoa
- Giai đoạn 2: tăng trọng nhanh chóng kéo dài khoảng 10 tuần tiếp theo
- Giai đoạn 3: duy trì và chậm lớn kéo dài khoảng 2 tuần
- Giai đoạn 4: làm đầy nội nhủ, từ tuần 17-28
- Giai đoạn 5: giai đoạn chín
6 tuần sau khi nở hoa và thụ phấn, quả cà phê nhỏ được hình thành cần được che chắn và bảo vệ vì còn non yếu.
Mặc dù trong giai đoạn này sự phát triển không đáng kể, nhưng quả không được coi là ngủ đông vì chúng có tốc độ hô hấp cao. Sự phát triển của lớp vỏ và hạt chủ yếu là bằng cách phân chia tế bào thay vì bằng cách mở rộng tế bào.
Tại những nông trại Robusta của chúng tôi cây muồng đen được sử dụng là một loại che bóng tự nhiên phù hợp cho cà phê, lúc muồng đen ra lá non và có bóng cũng là lúc quả cà phê được hình thành. Đây là giai đoạn thời tiết nắng nóng và khô, nếu duy trì được độ ẩm và lượng nước phù hợp cho cây thì quả cà phê sẽ phát triển tốt.
Khoảng thời gian 10 tuần tiếp theo, quả cà phê tăng trọng nhanh chóng. Tính từ tuần thứ sáu đến tuần thứ 17 của sự phát triển; quả tăng nhanh về kích thước và khối lượng tươi. Giai đoạn này quyết định kích thước tối đa của nhân cà phê. Sự mở rộng tế bào chiếm ưu thế vào cuối giai đoạn này.
Đây là khoảng thời gian cần thiết có ẩm độ cho cây và rễ hấp thụ dinh dưỡng tốt nhất, đất cần được che phủ và bổ sung mùn hữu cơ, dinh dưỡng, che bóng thích hợp. Thời điểm này cũng bắt đầu có mưa, cung cấp thêm nguồn nito tự nhiên cho cây rất tốt.
Duy trì và chậm lớn kéo dài khoảng hai tuần, quả đạt được kích thước cuối cùng trong thời kỳ chuyển tiếp (ngắn) này, nhưng lượng chất khô của quả vẫn còn thấp.
Ở gia đoạn này chúng ta không nhìn thấy kích thước quả thay đổi nhiều, nhưng cũng là giai đoạn quan trọng, cây cần được che bóng để những quả cà phê không bị háp nắng gây hiện tượng nám quả dẫn đến chất lượng không tốt về sau.
Giai đoạn làm đầy nội nhũ: từ khoảng tuần thứ 17 đến tuần thứ 28, chất khô được lấp đầy tế bào. Trong giai đoạn này, khối lượng tươi ít thay đổi do chất khô được lắng đọng chủ yếu trong nhân (hạt). Sự chín của hạt cà phê trở nên hoàn chỉnh khi đồng thời đạt đến hàm lượng chất khô tối đa và khả năng nảy mầm tối đa.
Giai đoạn chín: trong giai đoạn phát triển cuối cùng, hầu hết các thay đổi xảy ra ở lớp vỏ ngoài, tăng kích thước và khối lượng (tươi và khô), sắc tố tích tụ tạo thành màu đỏ hoặc vàng. Quá trình chín có thể kéo dài trong thời gian khoảng 10 tuần, từ tuần thứ 24 đến tuần thứ 34 kể từ khi nở hoa.
Giai đoạn này tác dụng của cây rừng che bóng vẫn diễn ra, giúp quả cà phê chín chậm và từ từ, tăng lượng đường và chất lượng của quả.
Nói về câu chuyện bóng râm ảnh hưởng thế nào đến năng suất cà phêSoto-Pinto và cộng sự (2000) đã đưa ra một đánh giá khá trung lập về tiềm năng năng suất cà phê như sau: “Các nghiên cứu chỉ ra mức độ che bóng trung bình (khoảng 35% –50%) tạo ra năng suất cà phê cao nhất, mức này cho phép đạt được cân bằng trong việc duy trì nhiệt độ tối ưu (trong bóng râm) và tỷ lệ quang hợp tối ưu (ngoài bóng râm); Bởi vì năng suất cà phê thường được đánh giá độc lập với các loại cây trồng tạo bóng râm (gỗ, nông sản,..) hoặc lợi ích của hệ sinh thái, nên việc cân nhắc lợi ích của các phương pháp canh tác bóng râm rất phức tạp.”
Nghiên cứu khác của Vaast và cộng sự (2005) cũng đưa ra kết luận: Quá trình chín của quả cà phê chậm lại ở độ cao lớn hơn (nhiệt độ không khí thấp hơn), hoặc dưới bóng râm, cho phép có nhiều thời gian hơn để làm đầy hạt, cho ra những hạt cà phê có mật độ dày hơn và có hương vị đậm hơn nhiều so với các loại cà phê tương tự được trồng ở độ cao thấp hơn (hoặc dưới ánh sáng mặt trời đầy đủ).
Do trồng dưới những tán cây nên thời gian chín của trái cà phê Robusta tại vườn chậm hơn so với những vườn độc canh. Nhưng đổi lại là sự ổn định về năng suất và mang lại những hạt cà phê chất lượng hương vị tốt hơn. Để hiểu hơn về cách canh tác dưới tán cây ảnh hưởng cụ thể thế nào đến cà phê, bạn có thể sắp xếp một chuyến trải nghiệm đến nông trại của Xì Phố, chúng mình rất sẵn lòng đón tiếp mọi người.
Đọc thêm:
- Cây muồng đen - Cây trồng đồng hành cùng cây phê
- Năng suất và chất lượng cà phê canh tác dưới bóng râm
- Vai trò giữ nước của vườn cà phê đa tầng tán